Cơ cấu tổ chức Đại_học_(Việt_Nam)

Một đại học có thể bao gồm các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc. Đơn vị thành viên là trường đại học, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cho phép thành lập theo quy định của pháp luật; được tự chủ trong tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của đại học. Đơn vị trực thuộc là đơn vị có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.[1] Một đơn vị thành viên cũng có thể bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc bên trong.[11]

Không giống với mô hình viện đại học (university) phổ biến tại Mỹ, các đơn vị thành viên gần như biệt lập với nhau; sinh viên từ một trường thành viên này thường không học để lấy tín chỉ từ một trường thành viên khác. Có thể nói là mô hình đại học là một sự kết hợp giữa mô hình phân mảnh ngành học và phân mảnh cơ sở giáo dục của Liên Xô và mô hình viện đại học, và vẫn mang nặng đặc điểm của mô hình phân mảnh của Liên Xô.[12]

Hiện nay, 02 đại học quốc gia và 03 đại học vùng đều có cả đơn vị thành viên (trường đại học) và đơn vị trực thuộc (trường, khoa), riêng 02 đại học theo lĩnh vực là Đại học Bách khoa Hà NộiĐại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có đơn vị trực thuộc (trường), không có đơn vị thành viên.[13][11]

Nâng cấp trường đại học thành đại học

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:[14]

  • Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;
  • Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;
  • Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Trường Đại học Cần Thơ đang có đề xuất và xin hỗ trợ về thủ tục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để trở thành đại học vùng thứ tư.[15] Một số trường đại học, như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân[16] đã bắt đầu áp dụng đề án nâng cấp thành đại học một cách không chính thức (chủ yếu về mặt truyền thông và quản lý nội bộ) trong thời gian chờ đợi phê duyệt từ Chính phủ để chính thức trở thành đại học theo lĩnh vực.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại_học_(Việt_Nam) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-G... https://web.archive.org/web/20110719093638/http://... http://www.vnu.edu.vn/dhqg/contents/index.php?ID=6... http://www.vnuhcm.edu.vn/tongquan/index.htm https://vtc.vn/dai-hoc-va-truong-dai-hoc-khac-nhau... https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-mo... https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/341A5... https://dangcongsan.vn/giao-duc/chuyen-truong-dai-... https://thanhphohaiphong.gov.vn/chinh-thuc-chuyen-... https://thanhnien.vn/dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-khac...